(5,0 điểm)
Cảm nhận về vẻ đẹp của bức tranh Việt Bắc trong đoạn thơ sau:
Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung…
(Trích Việt Bắc, Tố Hữu, SGK Ngữ Văn 12, tập 1, NXBGD 2008, Tr..)
Từ đó, nhận xét về tính dân tộc trong thơ Tố Hữu.
Đáp án đúng:
(0.25)a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề
(0.5). Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Cảm nhận về bức tranh Việt Bắc trong đoạn thơ; nhận xét về tính dân tộc trong thơ Tố Hữu
(3.5)c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
* Giới thiệu chung:
- Tác giả Tố Hữu (Vị trí, Đặc điểm sáng tác)
- Bài thơ Việt Bắc (Hoàn cảnh sáng tác, Bố cục – Kết cấu)
- Đoạn thơ (Vị trí, giá trị)
* Cảm nhận về vẻ đẹp của bức tranh Việt Bắc qua đoạn thơ:
- Thuộc cặp hỏi – đáp thứ hai, đoạn thơ là lời của người ra đi, đáp lại những ân tình thiết tha của người ở lại.
- Đoạn thơ vẽ một bộ tranh Tứ bình về Việt Bắc, ở đó, mỗi bức tranh đều hiện lên với 2 nét vẽ: Thiên nhiên và Con người.
+ Bức tranh mùa đông:
++ Thiên nhiên:
Thiên nhiên mùa đông ở Việt Bắc được vẽ bằng 2 màu sắc đặc trưng - Màu xanh của cây lá, màu đỏ của hoa chuối rừng:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Màu xanh gợi cảm giác lạnh, màu đỏ lại gợi cảm giác tươi vui. Màu đỏ tươi của bông chuối rừng đã xua tan cái hoang sơ, lạnh giá vốn có của núi rừng Việt Bắc.
++ Con người:
Hiện lên qua câu thơ vẽ người là hình ảnh của người đi rừng:
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Đi trên đèo cao, ánh mặt trời cứ sáng lóe lên nơi lưỡi dao gài ngang thắt lưng của người đi rừng. Con người trở thành điểm sáng di động, trở thành vầng mặt trời thứ hai. Trong bức tranh thiên nhiên, con người trở thành trung tâm.
+ Bức tranh mùa xuân:
++ Thiên nhiên:
Bức tranh mùa xuân được vẽ bằng sắc trắng của hoa mơ:
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Động từ “nở” và “trắng” diễn tả sự lấn át của màu sắc, gợi hình ảnh cả núi rừng sáng bừng lên trong sắc trắng tinh khôi của hoa mơ.
++ Con người:
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
“Chuốt – từng – sợi” gợi động tác chăm chút, tỉ mẩn, tài hoa của người đan nón, gợi được cả sự óng ả của sợi giang. Người lao động hiện lên như một nghệ sĩ, rất say mê và tài hoa trong công việc của mình.
+ Bức tranh mùa hạ:
++ Thiên nhiên:
Thiên nhiên mùa hạ được vẽ bằng cả màu sắc và âm thanh:
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Tiếng ve râm ran và màu vàng của rừng phách khiến cho cảnh thiên nhiên hiện lên thật sinh động. Cách sắp xếp âm thanh trước, hình ảnh sau gợi mối quan hệ nhân quả: Tiếng ve loang ra đến đâu, rừng phách hối hả thay màu đến đó. Động từ “đổ” diễn tả sự thay màu đồng loạt, mạnh mẽ. Cả khu rừng rực lên trong sắc màu tươi sáng của rừng phách và âm thanh tươi vui của tiếng ve gọi hè sang.
++ Con người:
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Cụm từ “cô em gái” thật trìu mến, thân thương. “Một mình” nhưng không hề cô đơn, bởi trong khung cảnh rực rỡ sắc màu, rộn rã âm thanh, cố gái ấy có lẽ đang vừa hái măng vừa hát.
+ Bức tranh mùa thu:
++ Thiên nhiên:
Bức tranh thu kết lại bộ tứ bình bằng hình ảnh đêm trăng hòa bình, đêm trăng trung thu:
Rừng thu trăng rọi hòa bình
“Rọi” nghĩa là soi sáng, sáng tỏ. Hình ảnh ánh trăng soi tỏ cả khu rừng gợi sự bình yên. Cuối cùng, sau bao gian khổ, hi sinh, khát vọng hòa bình không còn là mơ ước mà đã trở thành hiện thực.
++ Con người:
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung
Tác giả không miêu tả tiếng hát mà lắng nghe lòng người cất lên qua tiếng hát.Đọng lại nơi sâu nhất trong nỗi nhớ của người ra đi về Việt Bắc chính là tấm lòng son sắt, thủy chung của người ở lại.
=> Đánh giá chung: Với kết cấu đăng đối, sử dụng cặp đại từ nhân xưng mình – ta một cách sáng tạo, giọng thơ tâm tình, ngọt ngào…, đoạn thơ tái hiện qua nỗi nhớ của người ra đi về cảnh Việt Bắc trong 4 mùa. Đẹp nhất trong bộ tranh này là sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Thiên nhiên đẹp, mỗi mùa một vẻ, vừa rực rỡ sắc màu vừa rộn rã âm thanh, vừa lung linh ánh sáng vừa ấm áp tình người. Đây là đoạn thơ hay nhất của bài thơ Việt Bắc, viết về Việt Bắc.
* Nhận xét về tính dân tộc trong thơ Tố Hữu qua đoạn thơ:
- Về nội dung:
Đoạn thơ ca ngợi những tình cảm đã trở thành đạo lí của dân tộc bao đời: Lòng yêu quê hương, đất nước; sống ân nghĩa, thủy chung.
- Về nghệ thuật:
+ Thể thơ: Lục bát
+ Kết cấu: kết cấu đối đáp quen thuộc của ca dao – dân ca
+ Hình ảnh thơ, giọng thơ gần gũi, ngọt ngào, mang âm hưởng và màu sắc của văn học dân gian
+ Ngôn ngữ giàu tính nhạc, tính họa
(0.25) d. Chính tả và ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả và ngữ pháp tiếng Việt
(0.5) e. Sáng tạo
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận