Cảm nhận của anh/chị về diễn biến tâm trạng của nhân vật Hồn Trương Ba qua màn đối thoại giữa Hồn với Đế Thích (“Hồn Trương Ba, da hàng thịt - Lưu Quang Vũ); từ đó, nhận xét nghệ thuật khắc hoạ nhân vật của Lưu Quang Vũ.
Đáp án đúng:
Bài văn cảm nhận diễn biến tâm trạng của nhân vật Hồn Trương Ba qua màn đối thoại giữa Hồn với Đế Thích (“Hồn Trương Ba, da hàng thịt”); từ đó, nhận xét nghệ thuật khắc hoạ nhân vật của Lưu Quang Vũ có thể được triển khai theo hướng:
a. Mở bài
- Dẫn dắt vấn đề
- Nêu vấn đề
b. Thân bài
Giới thiệu khái quát về Lưu Quang Vũ, về “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” và vấn đề nghị luận
Tham khảo Câu 2 phần Làm văn - Đề số 02
Giải quyết vấn đề nghị luận
Cảm nhận về diễn biến tâm trạng của Hồn Trương Ba với Đế Thích
- Bối cảnh nảy sinh tâm trạng của nhân vật:
+ Trước đoạn đối thoại giữa Hồn với Đế Thích, Hồn Trương Ba đã đối thoại với Xác và với những người thân của mình. Qua các cuộc thoại đó, Hồn Trương Ba đã thấm thía sâu sắc bi kịch của chính bản thân mình và nỗi đau khổ của những người thân. Tất cả những điều này cộng dồn với nhau đưa dẫn Hồn Trương Ba đi đến quyết định gặp Đế Thích để bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ mang tính chất quyết định.
+ Trong cuộc gặp với Đế Thích, Hồn Trương Ba đã bộc lộ nhiều tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ về chính bản thân mình, về người thân, về bà con hàng xóm và về cả Đế Thích.
- Đối với chính bản thân Hồn Trương Ba:
+ Đau khổ khi phải sống không được là chính mình: Hồn Trương Ba liên tiếp nói với Đế Thích rằng: “tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được”, “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Những lượt lời phủ định đã thể hiện nhận thức sâu sắc của nhân vật về tình cảnh phải sống nhờ sống gửi trong thân xác hàng thịt, nó cho thấy thái độ kiên quyết của Hồn Trương Ba khi chối bỏ hoàn cảnh sống nhờ sống gửi trong thân xác anh hàng thịt.
+ Khi được Đế Thích đề xuất một phương án giải quyết cho việc Hồn Trương Ba muốn thoát khỏi Xác hàng thịt là nhập vào xác cu Tị thì dù rất ham sống nhưng ngay lập tức Hồn Trương Ba đã thể hiện những nhận thức sâu sắc về biết bao “rắc rối” sẽ kéo theo nếu Hồn nhập vào thân xác cu Tị (Những rắc rối mà Hồn Trương Ba đã hình dung ra: chị Lụa sẽ “không nguôi thương nhớ con”, “Có khi tôi còn phải sang nhà chị Lụa ở”, “Rồi còn hàng xóm, lí trưởng, trương tuần...”, “Bà vợ tôi, các con tôi sẽ nghĩ ngợi, xử sự thế nào”, “Bao nhiêu sự rắc rối.”, “Sợ chỉ càng oái oăm rắc rối hơn”, “bao sự không ổn”). Một loạt sự phân tích hết sức kĩ lưỡng của Hồn Trương Ba về tâm lí, cảm xúc của tất cả mọi người và cả những rắc rối kéo theo nếu Hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị đã cho thấy Hồn Trương Ba rất nghiêm túc trước đề xuất của Đế Thích. Sở dĩ Hồn Trương Ba có những suy nghĩ đó là bởi hơn ai hết, nhân vật đã thấm thía những bi kịch, đau khổ của bản thân và của người thân suốt những ngày qua, khi Hồn phải trú trong thân xác của anh hàng thịt.
+ Sau cùng, khi nhận thức được rất nhiều rắc rối cho bản thân và người thân, đồng thời cũng không muốn phải đối diện với những nỗi đau khổ của bản thân và người thân, Hồn Trương Ba đã kiên quyết trả lại thân xác cho anh hàng thịt và được chết hẳn để được là mình toàn vẹn (Lời nói: tôi sẽ đâm dao vào cổ hoặc nhảy xuống sông; hành động: bẻ bó hương của Đế Thích).
Như vậy, rõ ràng, hơn khi nào hết Hồn Trương Ba đã nhận ra bi kịch của bản thân và người thân mình còn tệ hơn, còn đáng quan tâm hơn cả khát vọng được sống.
+ Hồn Trương Ba đã tự cảm thấy “thanh thản, trong sáng như xưa” khi đi đến quyết định trả lại thân xác cho anh hàng thịt. Với lời thoại này, Hồn Trương Ba đã trở lại với chính con người mình, đã thực sự cảm thấy thoải mái khi được sống là chính mình.
- Đối với người thân:
+ Hồn Trương Ba đã thực sự đặt cảm xúc, suy nghĩ của người thân lên trước khát vọng được sống của mình. Ông đã nghĩ rất nhiều cho vợ, các con, cháu gái của ông. Ông không đành lòng nhìn những người thân yêu của mình phải đau khổ vì ông, đặc biệt ông không cam tâm chứng kiến con trai đi vào con đường sai trái (“Những người thân của tôi sẽ còn phải khổ vì tôi! Còn lấy lí lẽ gì khuyên thằng con tôi đi vào con đường ngay thẳng được?”). Điều này chứng tỏ Hồn Trương Ba đã rất xót xa trước nỗi đau của người thân và trước nguy cơ tha hoá của anh con trai.
+ Bản thân Hồn Trương Ba hẳn cũng rất dằn vặt, khổ tâm khi nhận ra chính mình đang làm khổ những người thân của mình, khi mình không thể làm gương cho anh con trai để mà dạy con
- Đối với hàng xóm (mẹ con chị Lụa - cu Tị; vợ chồng hàng thịt):
+ Với vợ chồng anh hàng thịt, Hồn Trương Ba cũng nhận thấy chị vợ anh hàng thịt thật đáng thương (“chị ta thật đáng thương”).
+ Với mẹ con cu Tị, Hồn Trương Ba vô cùng thấu hiểu nỗi đau của người mẹ mất con nên tha thiết xin Đế Thích hãy cứu lấy cu Tị (“Ông có biết đứa con đối với người mẹ là thế nào không? Còn to lớn hơn cả ý muốn bà Tây Vương Mẫu nhà ong. Ông Đế Thích, vì con trẻ ông ạ, vì con trẻ! Ông hãy giúp tôi lần cuối cùng.”).
- Đối với Đế Thích:
+ Hồn Trương Ba luôn coi Đế Thích là một người bạn. Bởi thế nên ông rất cảm kích trước lòng nhiệt thành, sự quý mến của ĐT đối với mình.
+ Hồn Trương Ba không đồng tình với ý muốn, quan niệm sống Đế Thích:
Khi cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt thì Đế Thích mới chỉ cho Trương Ba được sống trở lại, được tồn tại chứ Đế Thích chưa từng nghĩ đến chuyện Hồn Trương Ba sẽ phải “sống như thế nào” (phải đối diện, trải qua với những rắc rối khi bên trong một đằng bên ngoài một nẻo, khi phải sống trong tâm trạng bi kịch như thế nào).
Trước đề xuất cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị, nếu như Đế Thích rất hoan hỉ và có lí lẽ riêng để làm điều này (“ông với thằng cu Tị đã từng quấn quýt, quý mến nhau, ông sống trong thân thể thằng bé chắc sẽ ổn”), Hồn Trương Ba dù rất ham sống nhưng vẫn rất tỉnh táo để nhận ra những điều “vô lí”, những “rắc rối” kéo theo. Bởi thế nên Hồn Trương Ba kiên quyết không nhập vào xác cu Tị và cả quyết xin được chết hẳn.
Đế Thích muốn sửa sai (sửa lỗi sai của Nam Tào) bằng cách cho hồn Trương Ba được nhập vào xác hàng thịt/ xác cu Tị. Nhưng Hồn Trương Ba khẳng định: Có những cái sai không thể sửa được” hoặc chỉ có thể sửa lại bằng cách làm đúng, và việc đúng đắn nhất bây giờ là làm cho cu Tị sống lại và để cho Hồn Trương Ba được chết hẳn.
Đế Thích nói: “Ông phải sống, dù với bất cứ giá nào”. Hồn Trương Ba đã đáp lại bằng chính sự trải nghiệm của bản thân: “Không thể sống với bất cứ giá nào được (...) Có những cái giá đắt quá, ông thể trả được...”.
Mọi ý muốn và quan niệm sống của Đế Thích cũng có phần đúng đắn và đều xuất phát từ lòng yêu mến thành thực của Đế Thích dành cho Hồn Trương Ba. Song, Hồn bằng tất cả những đau khổ đã trải qua suốt thời gian qua, đã khước từ đề xuất của Đế Thích. Trong những lượt lời của mình, Hồn Trương Ba cũng cho thấy nhiều nhận thức đúng đắn về sự sống: Sống không đơn thuần là sự tồn tại sinh học, cũng không thể bất chấp mọi giá để được tồn tại, nhất là khi sự tồn tại ấy còn gieo lại biết bao đâu khổ cho người khác. Rõ ràng suy nghĩ của Hồn Trương Ba hoàn toàn xác đáng.
Nhận xét, đánh giá; mở rộng, nâng cao
- Đoạn trích đã cho thấy diễn biến tâm trạng hết sức phức tạp trong tâm lí nhân vật Hồn Trương Ba. Mặc dù vậy, phức hợp tâm lí ấy đã cho thấy vẻ đẹp nhân cách trong con người Trương Ba: tự trọng, nhân hậu, vị tha hi sinh.
- Đoạn trích cũng đồng thời thể hiện sự am hiểu sâu sắc tâm lí của nhân vật. Sự am hiểu ấy bắt nguồn từ mối đồng cảm, thái độ trân trọng trước nhân cách cao đẹp của Hồn Trương Ba. Để khắc hoạ được diễn biến tâm lí nhân vật, Lưu Quang Vũ tiếp tục lựa chọn những lời thoại đắt giá đặt vào lời của nhân vật.
c. Kết bài
Bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ về hình tượng Hồn Trương Ba.