Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ dưới đây; từ đó, nhận xét vẻ đẹp tâm hồn của nữ sĩ Xuân Quỳnh.
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
(Trích Sóng, Xuân Quỳnh, theo Ngữ văn 12, tập một,
NXB Giáo dục, 2008, tr. 155-156)
Đáp án đúng:
Bài văn cảm nhận đoạn thơ trích từ “Sóng”; từ đó, nhận xét vẻ đẹp tâm hồn nữ sĩ Xuân Quỳnh có thể được triển khai theo hướng:
a. Mở bài
- Dẫn dắt vấn đề
- Nêu vấn đề
Ví dụ:
Có ai đi trong cuộc đời mà không một lần trăn trở về thời gian? Với người đang yêu, thời gian lê thê trôi từng khắc, từng giờ, một ngày không gặp nhau ngỡ tưởng ba mùa thu dồn lại. Nhưng cũng có khi vì yêu, người ta lại thấy thời gian chảy trôi rất nhanh và khao khát được neo đậu tình yêu vào năm tháng:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.”
(Trích Sóng, Xuân Quỳnh, theo Ngữ văn 12, tập một,
NXB Giáo dục, 2008, tr. 155-156)
b. Thân bài
Giới thiệu khái quát về Xuân Quỳnh, về “Sóng” và đoạn thơ
Tham khảo Câu 2 phần Làm văn - Đề số 17
Giải quyết vấn đề nghị luận
Cảm nhận về đoạn thơ
Đoạn 1: Tình yêu được đặt trong bối cảnh không gian và thời gian
- Thời gian:
+ Hoán dụ “cuộc đời”: chỉ thời gian của đời người; “năm tháng”: chỉ thời gian của vũ trụ.
+ Đặt thời gian của đời người trong tương quan với thời gian của vũ trụ, Xuân Quỳnh khẳng định sự hữu hạn, ngắn ngủi của đời người: Đời người dẫu có dài đến trăm năm thì so trăm năm ấy với thời gian vô cùng vô tận, vô thuỷ vô chung của vũ trụ cũng rất ngắn ngủi.
Liên hệ:
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già.”
(“Vội vàng” - Xuân Diệu)
Có sự tương đồng trong nhận thức về sự ngắn ngủi của đời người ở hai nhà thơ
.
- Không gian:
+ Hoán dụ “biển”: chỉ không gian tưởng chừng mênh mông, rộng lớn, vô cùng vô tận; “mây”: chỉ một thực thể nhỏ bé, mong manh.
+ Đặt “biển” và “mây” trong tương quan đối sánh, Xuân Quỳnh lại khiến người đọc nhận ra một sự thực: Biển kia tưởng mênh mông, rộng lớn nhưng thực chất nó vẫn bị giới hạn bởi bờ cõi; còn áng mây tưởng rất nhỏ bé, mong manh thực ra lại có thể phiêu du từ vùng trời này qua vùng trời khác, bay từ mặt biển này qua mặt biển khác. Vậy nên, mọi thứ, mọi điều trong cõi đời này thực vô thường.
Từ sự chiêm nghiệm về sự hữu hạn của cuộc đời và sự mong manh của kiếp người, của thân phận tình yêu, Xuân Quỳnh đã nêu vấn đề: Làm thế nào để bất tử hoá tình yêu?
Đoạn 2: Khát vọng bất tử hoá tình yêu với vũ trụ không cùng
- Câu hỏi tu từ: “Làm sao được tan ra” thể hiện nỗi băn khoăn, trăn trở. Câu hỏi tu từ kết hợp với âm điệu chân thành, tha thiết bộc lộ khát vọng cháy bỏng của “em” - khát vọng được bất tử hoá tình yêu/ khát vọng làm thế nào để tình yêu trường tồn vĩnh cửu với vũ trụ bao la.
- Từ ngữ:
+ Số từ: “trăm”, “ngàn” - số từ không xác định, không định lượng chính xác một trăm, một ngàn. Các số từ này mang nghĩa chỉ chung, chỉ số nhiều.
+ “Tan ra”:
• Muốn tình yêu tan thành trăm con sóng tức là muốn tình yêu trường tồn vĩnh cửu với không gian vũ trụ (“biển lớn”), với thời gian muôn đời (“ngàn năm”). Điều này xuất phát từ cơ sở: Chừng nào vũ trụ này còn tồn tại thì sẽ còn đại dương, còn đại dương sẽ còn sóng (biển). Vậy nên, đem tình yêu tan hoà vào sóng là cách hữu hiệu nhất để tình yêu còn mãi. Hai chữ “tan ra” thể hiện khát vọng hi sinh, dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu, là sống hết mình, yêu hết mình, dâng hiến hết mình cho tình yêu. Giải pháp thể hiện trái tim nhân hậu, vị tha, giàu đức hi sinh, bao dung vô cùng của người phụ nữ trong tình yêu khi không thể kéo dài năm tháng, khi bối rối, lo âu trước cái ngắn ngủi của tình yêu.
Liên hệ đoạn thơ trong bài thơ “Biển” (Xuân Diệu):
“Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi
Đã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt”
Điểm chung: Cả Xuân Diệu và Xuân Quỳnh đều muốn tan hoà tình yêu vào sóng biển.
Điểm khác trong cách bộc lộ khát vọng tình yêu của hai nhà thơ: Xuân Diệu cuồng nhiệt, mãnh liệt, mạnh mẽ. Xuân Quỳnh mãnh liệt nhưng vẫn rất dịu dàng, nữ tính. Sự khác biệt làm nên vẻ riêng, nét độc đáo trong cách thể hiện khát vọng tình yêu của mỗi nhà thơ.
• Khi “tan ra”, khi dâng hiến tận độ cho tình yêu, “em” dường như đã chiến thắng cái hữu hạn của cả thời gian (“ngàn năm” - vĩnh hằng) và không gian (“biển lớn” - vô cùng). Do đó, tình yêu của “em” được vĩnh hằng cùng vô biên năm tháng:
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.”
(“Tự hát” - Xuân Quỳnh)
Xuân Quỳnh đã bất tử hóa, vĩnh viễn hóa tình yêu của mình ngay trong cái hữu hạn rất khắc nghiệt của cuộc đời.
Nhận xét vẻ đẹp tâm hồn của nữ sĩ Xuân Quỳnh
- Đoạn thơ thể hiện một tiếng thơ, một trái tim phụ nữ hồn hậu, chân thành mà khao khát yêu đương mãnh liệt thường hiện trong thơ Xuân Quỳnh.
- Khi viết bài thơ “Sóng”, Xuân Quỳnh đã đi qua những đổ vỡ trong tình yêu nhưng không vì thế mà nữ sĩ mất đi niềm tin vào tình yêu. Điều này càng cho thấy trái tim yêu sôi nổi, mãnh liệt trong Xuân Quỳnh và trong thơ bà.
Nhận xét, đánh giá; mở rộng, nâng cao
Đoạn thơ góp phần làm nên vẻ đẹp bất tử của thi phẩm “Sóng”, đưa “Sóng” trở thành một trong những bài thơ tình hay nhất, bất chấp sự băng hoại của thời gian.
c. Kết bài
Bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ về vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ.