Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
(Trích Tây Tiến - Quang Dũng, theo Ngữ văn 12, tập một,
NXB Giáo dục, 2008, tr. 88)
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên
(Trích Việt Bắc, Tố Hữu, theo Ngữ văn 12, tập một,
NXB Giáo dục, 2008, tr. 112)
Đáp án đúng:
Bài văn cảm nhận về vẻ đẹp của hai đoạn thơ có thể được triển khai theo hướng:
a. Mở bài
- Dẫn dắt vấn đề
- Nêu vấn đề
b. Thân bài
Giới thiệu khái quát về các tác giả Quang Dũng, Tố Hữu, các tác phẩm “Tây Tiến”, “Việt Bắc” và hai đoạn trích
Tham khảo Câu 2 phần Làm văn - Đề số 41
Giải quyết vấn đề nghị luận
Cảm nhận về hai đoạn thơ
Về đoạn thơ trong “Tây Tiến”
Đoạn thơ viết về hình tượng người lính Tây Tiến trên những chặng đường hành quân.
- Hình ảnh những con đường hành quân trong đoạn thơ hiện lên với đầy những đèo cao dốc thẳm; vừa gập ghềnh hiểm trở vừa thơ mộng, trữ tình. Những từ láy “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, sự đối xứng giữa “ngàn thước lên cao/ ngàn thước xuống” tạo nên hình ảnh những dãy núi điệp trùng, những chóp núi dựng đứng với độ cao chóng mặt. Đó là những thử thách khắc nghiệt cản bước người lính. Tuy nhiên, thiên nhiên càng hiểm trở càng chứng tỏ được ý chí quyết tâm của con người. Câu thơ “Heo hút cồn mây súng ngửi trời” vừa như một tiếng thở phào của người lính khi lên tới đỉnh núi, vừa gợi vóc dáng kì vĩ của người lính giữa lồng lộng mây trời.
- Xuất hiện trên nền cảnh ấy, người lính tuy phải gồng mình để vượt núi băng rừng, coi thường hiểm nguy nhưng tâm hồn của họ vẫn tinh tế, có khả năng cảm nhận được vẻ đẹp mĩ lệ của những cồn mây heo hút, của một ngôi nhà sàn nhạt nhòa trong mưa rừng Pha Luông. Ngay cả trước thử thách khốc liệt nhất là cái chết, họ vẫn bình thản, coi đó là giấc ngủ “bỏ quên đời” một cách nhẹ nhàng.
- Đoạn thơ thể hiện nét tài hoa trong phong cách thơ Quang Dũng. Từ cách gieo vần, phối thanh, cách sử dụng đối ngẫu đến cách dùng những từ láy... đều có tác dụng đặc biệt trong việc tạo dựng hình ảnh một miền Tây và người lính Tây Tiến vừa tương phản vừa hòa hợp.
Về đoạn thơ trong “Việt Bắc”
- Đoạn thơ tập trung tái hiện sự chuẩn bị bí mật cho cuộc kháng chiến (vì các con đường Việt Bắc phải hoạt động vào ban đêm), tái hiện hình ảnh cuộc chiến tranh nhân dân, cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện.
- Vẫn là cảnh rừng núi nhưng thiên nhiên trong “Việt Bắc” mờ đi, chỉ có những con đường từ căn cứ địa chi viện cho tiền tuyến.
- Đoạn thơ phản ánh sinh động hình ảnh cuộc chiến tranh nhân dân, cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Toàn dân vì có cả dân công và quân đội, toàn diện vì có cả thô sơ và cơ giới (ánh sáng của đuốc, đèn pha).
+ Mỗi hình ảnh trong đoạn thơ vừa có ý nghĩa tả thực lại vừa mang tính biểu tượng cao. Đoạn thơ là biểu tượng về sự quyết tâm một lòng của quân dân, biểu tượng về sự lớn lao của con người “bước chân nát đá”, về niềm tin vào tương lai “đèn pha bật sáng như ngày mai lên”. Mạch thơ có sự vận động từ đêm tối hướng ra ánh sáng, thể hiện niềm lạc quan vào tương lai, sức mạnh kháng chiến.
- Những từ láy, những biện pháp nghệ thuật... trong đoạn thơ có tác dụng đặc biệt trong việc tạo âm hưởng anh hùng ca, đậm cảm hứng sử thi.
So sánh hai đoạn thơ
- Nét độc đáo của mỗi đoạn thơ bắt nguồn từ cảm hứng, phong cách nghệ thuật. Cảm hứng chi phối đoạn thơ trong tác phẩm “Tây Tiến” là vẻ đẹp bi tráng của người lính và sự hoang sơ của thiên nhiên miền Tây; cảm hứng chi phối đoạn thơ trong tác phẩm “Việt Bắc” là sức mạnh hào hùng của cuộc kháng chiến.
- Hình tượng con người trong thơ Quang Dũng là nét hào hoa, dũng cảm mang dáng nét của hình tượng chinh phu, tráng sĩ xưa còn hình tượng con người trong thơ Tố Hữu là nhân dân - lực lượng chính của kháng chiến. Quang Dũng viết là để bộc lộ nỗi nhớ “chơi vơi” với một quãng đời bi tráng còn Tố Hữu viết là để gợi nhớ “mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”, viết để gợi nhắc đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”.
Nhận xét, đánh giá; mở rộng, nâng cao
- Mỗi đoạn thơ đã tái hiện thành công một góc khung cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của đất nước, nhân dân Việt Nam cũng như vẻ đẹp của con người Việt Nam trong kháng chiến.
- Hai đoạn thơ thể hiện đậm nét nhãn quan hiện thực và tài năng nghệ thuật của mỗi tác giả; góp phần làm phong phú hơn cho đề tài quê hương đất nước; mang đến người đọc những xúc cảm thẩm mĩ đa dạng.
c. Kết bài
Bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ về hai khổ thơ.