Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.
...
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
(Trích Viếng lăng Bác – Viễn Phương, SGK Ngữ văn 9, tập hai,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
Cảm nhận của em về hai khổ thơ trên. Từ đó, nhận xét về đặc sắc nghệ thuật thơ Viễn Phương. (5.0 điểm)
Đáp án đúng:
(0.25) a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề
(0.25)b. Xác đinh đúng vấn đề cần nghị luận
Nội dung và nghệ thuật của hai khổ thơ, nhận xét đặc sắc nghệ thuật thơ Viễn Phương
(4.0)c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
(1.0)* Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, 2 khổ thơ
- Viễn Phương: Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, ông hoạt động ở Nam Bộ, là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời kì chống Mĩ cứu nước. Thơ ông dung dị, cảm xúc sâu lắng, thiết tha ngay trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến trường.
- Tác phẩm “Viếng lăng Bác”: Bài thơ được viết vào tháng 4/ 1976, một năm sau ngày đất nước giải phóng và thống nhất, cũng là lúc lăng chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Viễn Phương cùng đồng bào miền Nam ra thăm lăng Bác. Trong niềm xúc động thiêng liêng, lòng kính yêu và niềm tự hào tha thiết, Viễn Phương đã viết nên bài thơ này. Tác phẩm được in trong tập “Như mây mùa xuân” (1978).
- 2 khổ thơ: nằm ở đầu và cuối thi phẩm; tập trung thể hiện cảm xúc của tác giả khi ngắm nhìn quang cảnh bên ngoài lăng và niềm lưu luyến, bịn rịn khi phải rời xa lăng Bác.
(3.0)* Cảm nhận 2 khổ thơ:
- Khổ thơ đầu (Cảm xúc của tác giả khi ngắm nhìn quang cảnh bên ngoài lăng Bác):
+ Câu thơ mở đầu bằng ngôn từ thật giản dị, thật ngắn gọn tựa như một lời thông báo, một lời chào nhưng lại gợi ra tâm trạng xúc động của một đứa con miền Nam sau bao năm mong mỏi giờ đây mới được “ra thăm lăng Bác”.
+ Đại từ xưng hô “con – Bác” theo phong cách Nam Bộ vừa gần gũi, thân thương vừa trân trọng, thành kính như tình cảm của một người con đối với một người cha lâu ngày gặp lại.
+ Nhà thơ sử dụng từ “thăm” thay cho từ “viếng”. “Viếng” là đến chia buồn với thân nhân người đã khuất. Còn “thăm” là gặp gỡ, trò chuyện với người đang sống. Cách nói giảm, nói tránh được sử dụng khéo léo có tác dụng giảm nhẹ nỗi đau thương mất mát, đồng thời như khẳng định Bác vẫn còn mãi trong trái tim nhân dân miền Nam, trong lòng dân tộc. Hơn nữa, nó còn gợi sự thân mật, gần gũi - con về thăm cha – thăm người thân yêu ruột thịt, thăm chỗ Bác nằm, thăm nơi Bác ở để thỏa lòng khát khao mong nhớ bấy lâu.
+ Hình ảnh đầu tiên mà tác giả thấy được và cũng là ấn tượng đậm nét về cảnh quan bên lăng Bác là “hàng tre”. Đó vừa là hình ảnh mang tính chất tả thực lại vừa tượng trưng, giàu ý nghĩa liên tưởng sâu sắc. Hàng tre “bát ngát” trong sương là hình ảnh thực, hết sức thân thuộc, gần gũi của làng quê đất nước Việt Nam. Khi được kết hợp với cụm từ “xanh xanh Việt Nam”, thành ngữ “bão táp mưa sa” và lối miêu tả “đứng thẳng hàng” thì hàng tre ấy lại là ẩn dụ nghệ thuật độc đáo, là biểu tượng của dân tộc Việt Nam với vẻ đẹp thanh cao và sức sống bền bỉ, kiên cường suốt chiều dài lịch sử. Bên cạnh đó, hình ảnh ẩn dụ ấy cũng gợi ra nhiều liên tưởng: hàng tre như những chiến sĩ đang canh giấc ngủ cho Bác; là hình ảnh của dân tộc Việt Nam lúc nào cũng ở bên Người, trung thành, bền bỉ gắn bó sắt son.
+ Từ cảm thán “Ôi!” được tách thành một câu đặc biệt, biểu thị niềm xúc động tự hào của nhà thơ trước hình ảnh hàng tre, trước vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam.
- Khổ thơ sau (Niềm lưu luyến, bịn rịn khi phải rời xa lăng Bác):
+ Câu thơ “Mai về miền Nam thương trào nước mắt” vang lên như một lời giã biệt. Lời thơ giản dị nhưng diễn tả được tình thương sâu lắng. Từ chỉ thời gian “mai” đi liền với địa danh “miền Nam”, cùng lối diễn đạt “thương trào nước mắt” diễn tả cảm xúc thật mãnh liệt, luyến tiếc, bịn rịn không muốn rời xa Bác. Lòng nhớ thương kìm nén đến lúc này đã vỡ òa thành nước mắt.
+ Nhà thơ ước nguyện được hóa thân, hòa nhập vào cảnh vật bên lăng: muốn làm con chim hót