Phân tích hình tượng nhân vật Tràng (Vợ nhặt - Kim Lân) trong buổi sáng ngày hôm sau. Từ đó, anh/chị hãy liên hệ với hình tượng Chí Phèo (Chí Phèo - Nam Cao) trong buổi sáng tỉnh rượu để thấy được tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của các nhà văn.

Đáp án đúng:
Bài văn phân tích hình tượng nhân vật Tràng (“Vợ nhặt” - Kim Lân) trong buổi sáng ngày hôm sau; từ đó, liên hệ với hình tượng Chí Phèo (“Chí Phèo” - Nam Cao) trong buổi sáng tỉnh rượu để thấy được tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của các nhà văn có thể được triển khai theo hướng:
a. Mở bài
- Dẫn dắt vấn đề
- Nêu vấn đề
b. Thân bài
 Giới thiệu khái quát về Kim Lân, về “Vợ nhặt” và hình tượng nhân vật Tràng
Tham khảo Câu 2 phần Làm văn - Đề số 04
Giải quyết vấn đề nghị luận
 Phân tích hình tượng nhân vật Tràng trong buổi sáng hôm sau
* Sơ lược về tình huống truyện và diễn biến tâm trạng nhân vật Tràng trong buổi chiều hôm trước
- Tình huống anh cu Tràng nhặt được vợ: lạ, éo le.
- Diễn biến tâm trạng của Tràng ở chiều hôm trước:
+ Trên đường về: rất vui.
+ Về đến nhà: bối rối, ra cổng đón mẹ; đon đả mời mẹ vào nhà và thưa chuyện một cách trịnh trọng.
Chiều hôm trước, cảm xúc chủ đạo trong Tràng là niềm vui, niềm khát khao hạnh phúc.
* Hình tượng nhân vật Tràng trong buổi sáng ngày hôm sau
- Dậy muộn, trong người “êm ái lửng lơ như vừa ở trong giấc mơ đi ra”. Chi tiết thể hiện trạng thái ngây ngất trong niềm hạnh phúc bất ngờ ập đến của Tràng. Chính Tràng cũng không bao giờ nghĩ mình lại có thể có vợ.
- Khi bước ra sân:
+ Ngạc nhiên nhận ra rất nhiều điều mới mẻ, khác lạ: nhà cửa quang quẻ, gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ khác hẳn mọi ngày; cảnh tượng đầm ấm (mẹ lúi húi giẫy cỏ, vợ quét sân).
+ “thấm thía cảm động”, thấy “thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng” - những xúc cảm này bắt nguồn từ việc chứng kiến cảnh tượng đơn giản và bình thường, bởi thế nên chúng chính là những xúc cảm tự nhiên, chân thật nhất đang nảy nở trong tâm trạng của Tràng.
+ Tiếp nối nỗi xúc động là “một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng” Tràng.
+ Xúc cảm sau đó đã chuyển hoá thành nhận thức: hắn “thấy hắn nên người”, thấy “có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”. Như vậy, ở Tràng không chỉ có niềm vui, niềm hạnh phúc mà còn có ý thức, nhận thức về trách nhiệm của bản thân. Một gã trai tưởng chừng rất ngờ nghệch, ngốc nghếch như Tràng mà bây giờ lại nhận ra trách nhiệm của mình, điều này chứng tỏ Tràng đã thực sự “nên người”.
- Trong bữa ăn:
+ Khi người mẹ nói chuyện rôm rả, bà nói nhiều chuyện vui, chuyện sung sướng về sau, Tràng lắng nghe và “chỉ vâng”, “vâng rất ngoan ngoãn”.
Cảnh tượng cả gia đình cùng quây quần bên mâm cơm và có đủ mẹ, con trai, con dâu có lẽ xuất hiện lần đầu tiên trong gia đình Tràng. Trải nghiệm đặc biệt này phải chăng lần đầu tiên Tràng được nếm trải. Hình ảnh của Tràng lúc này thật đáng yêu.
+ Khi bà mẹ bưng nồi “chè khoán” (thực chất chỉ là nồi cháo cám) lên và đon đả múc mời các con, Tràng càm bát mẹ đưa cho, gợt một miếng vào miệng và “mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ”. Chi tiết này đã đưa trả Tràng (từ niềm hạnh phúc lâng lâng) về hiện thực đói nghèo, chua chát. Miếng cám đắng chát và nghẹn bứ chắc hẳn đã khiến Tràng phải trông nhìn trực diện vào cuộc đời tăm tối đang diễn ra trước mắt, để nhận ra chính Tràng và gia đình đang phải ăn một thứ thức ăn chỉ dành cho loài vật.
Nhà văn Kim Lân rất biết dệt nên ở các nhân vật của mình tình yêu, tinh thần lạc quan vào sự sống, vào cuộc đời song cũng rất biết khi nào nên trả họ về với hiện thực.
- Khi nghe người vợ nói chuyện ở trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang dân không chịu đóng thuế nữa, người ta còn phá kho thóc Nhật để chia cho người đói thì Tràng đã “thần mặt ra nghĩ ngợi” rồi “ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu”.
Kim Lân không lí giải vì sao Tràng lại tiếc rẻ vẩn vơ song người đọc hoàn toàn có thể hiểu được nét tâm lí này trong nhân vật. Tràng “ân hận, tiếc rẻ” là bởi lâu nay chính Tràng đã là công việc kéo xe bò thóc lên Liên đoàn tỉnh. Và phải chăng, Tràng dám lấy những bao thóc đó để chia cho những người dân nghèo ở chính xóm ngụ cư của mình thì hay biết mấy.
Truyện kết thúc bằng chi tiết “trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới...” giữa tiếng trống thúc thuế dồn dập, liên hồi. Với chi tiết này, Kim Lân đã tạo ra một kết thúc mở cho câu chuyện, đồng thời ngầm trao sứ mệnh đặc biệt cho anh cu Tràng. Biết đâu ngày mai, trong đám người đói ấy có anh cu Tràng dám vẫy lá cờ đỏ, dẫn đầu đoàn người đi phá kho thóc Nhật mà chia cho dân nghèo. Hiểu theo hướng này, đến đây, nhân vật Tràng của Kim Lân rõ ràng đang bắt đầu được “giác ngộ cách mạng”.
 Liên hệ với hình tượng Chí Phèo (“Chí Phèo” - Nam Cao) trong buổi sáng tỉnh rượu để thấy được tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của các nhà văn
- Giới thiệu ngắn gọn về Nam Cao, “Chí Phèo”, vấn đề liên hệ (tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của hai nhà văn).
- Nhân vật Chí Phèo trong buổi sáng tỉnh rượu được Nam Cao khắc họa rất thành công chuỗi diễn biến tâm lí:
+ cảm nhận cuộc sống đời thường, nhớ lại quá khứ xa xôi, thấm thía cuộc sống hiện tại, lo lắng cho tương lai cô độc, buồn;
+ khi được thị Nở cho ăn cháo hành thì ngạc nhiên, cảm động, ăn năn hối hận, tủi thân khi lần đầu tiên được cho bởi một người đàn bà, vui, khao khát được trở lại cuộc đời lương thiện, hi vọng, tin tưởng được trở lại cuộc đời lương thiện.
(Lưu ý: Không sa vào phân tích diễn biến tâm trạng của Chí Phèo. Chỉ nêu biểu hiện của tâm trạng và chọn 2-3 dẫn chứng để minh họa.)
- Cả Nam Cao và Kim Lân đều rất quan tâm đến đời sống tâm hồn của những người lao động nghèo Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Hai nhà văn đều mô tả chi tiết, chân thực, sinh động diễn biến tâm trạng của mỗi nhân vật ở thời điểm buổi sáng - gắn liền với sự thức tỉnh/ đổi thay của mỗi nhân vật - thông qua cảm xúc và dòng ý nghĩ. Có khi các nhà văn khách quan kể lại diễn biến đó nhưng cũng có khi Nam Cao và Kim Lân nhập thân vào nhân vật, trần thuật lại diễn biến tâm trạng thông qua lời văn nửa trực tiếp.
Tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của mỗi nhà văn không chỉ giúp cho các nhân vật nổi hình nổi sắc mà còn giúp các nhà văn thể hiện sâu sắc tình cảm nhân đạo của mình.
Nhận xét, đánh giá; mở rộng, nâng cao
- Diễn biến tâm trạng của nhân vật Tràng trong buổi sáng hôm sau được nhà văn tập trung khắc họa thông qua những chi tiết về cử chỉ, hành động, lời nói và dòng suy nghĩ (bộc lộ qua những lời văn nửa trực tiếp). Tràng hiện lên là một gã trai quê ngờ nghệch nhưng tốt bụng, giàu tình yêu thương và có khát vọng hạnh phúc, khát vọng sống mãnh liệt.
- Với hình tượng anh cu Tràng, Kim Lân đã thể hiện rõ sự thấu hiểu, đồng cảm, yêu thương, trân trọng và niềm tin tưởng hi vọng dành cho nhân vật. Điều này tiếp tục góp phần tô đậm cho giá trị nhân đạo của tác phẩm.
c. Kết bài
Bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ về hình tượng nhân vật Tràng.
Số bình luận về đáp án: 0