Từ màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với xác hàng thịt trong trích đoạn “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Lưu Quang Vũ), anh/chị hãy phân tích tình cảnh trớ trêu của Hồn Trương Ba; từ đó, nhận xét nghệ thuật tạo dựng xung đột kịch của nhà văn.

Đáp án đúng:
Bài văn phân tích tình cảnh trớ trêu của Hồn Trương Ba (“Hồn Trương Ba, da hàng thịt”); từ đó, nhận xét nghệ thuật tạo dựng xung đột kịch của Lưu Quang Vũ có thể được triển khai theo hướng:
a. Mở bài
- Dẫn dắt vấn đề
- Nêu vấn đề
b. Thân bài
 Giới thiệu khái quát về Lưu Quang Vũ, về “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” và vấn đề nghị luận
Tham khảo Câu 2 phần Làm văn - Đề số 02
Giải quyết vấn đề nghị luận
Phân tích tình cảnh trớ trêu của Hồn Trương Ba
* Sơ lược về tình cảnh trớ trêu của Hồn Trương Ba
- Trương Ba vốn là một người làm vườn khoẻ mạnh, hiền lành, chất phác, giàu tình yêu thương gia đình. Ông còn là người chơi cờ rất giỏi với nước cờ khoáng hoạt.
Do Nam Tào tắc trách nên tên của Trương Ba trong sổ sinh tử bị gạch nhầm. Trương Ba đang khoẻ mạnh bỗng phải chết.
Vì quá yêu mến Trương Ba, và cũng là để sửa sai cho lỗi sai của quan Thiên đình, nên Đế Thích đã mạn phép Trời, làm cho Hồn Trương Ba được nhập vào xác của anh hàng thịt mới chết ở làng bên cạnh. Trương Ba được sống lại nhưng phải mang thân xác của anh hàng thịt.
- Từ khi nhập vào xác của anh hàng thịt, dù được sống lại nhưng Hồn Trương Ba lại gặp phải muôn vào rắc rối, ngang trái. Không chỉ có vậy, Hồn Trương Ba còn phải chứng kiến những nỗi đau khổ của những người thân yêu (vợ, con, cháu gái) và anh con trai Trương Ba có nguy cơ tha hoá nhân cách. Bản thân Hồn Trương Ba cũng dần nhiễm những thói xấu của anh hàng thịt và linh hồn Trương Ba cũng ít nhiều đã bị tha hoá trong chính hoàn cảnh sống mà linh hồn đang phải quy phục:
* Chứng minh tình cảnh trớ trêu của Hồn Trương Ba qua màn đối thoại giữa Hồn với Xác hàng thịt
- Hồn Trương Ba khao khát được sống là chính mình:
+ Hành động: “ôm đầu” - suy nghĩ nung nấu của Hồn Trương Ba về hoàn cảnh mình đang lâm phải và sau đó “đứng vụt dậy” - hành động biểu thị sự kiên quyết (có lẽ là kiên quyết muốn thoát khỏi thân xác của anh hàng thịt).
+ Lời nói:
• Bộc lộ nỗi chán chường khi phải sống trong thân xác của hàng thịt (“Tôi không muốn sống như thế này mãi! Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồi!”).
• Khao khát được thoát khỏi thân xác của anh hàng thịt (“ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc”, “tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát”).
- Song thực thế, Hồn Trương Ba đang phải sống phụ thuộc vào xác hàng thịt:
+ Không còn được là chính mình: không còn mang thân xác của mình, không còn được sống nguyên vẹn với cảm xúc, ý nghĩ/ tư tưởng của chính mình nữa.
+ Dần nhiễm những thói xấu của xác hàng thịt, dần trở nên tha hoá:
• Khi đứng bên cạnh chị vợ của anh hàng thịt, trong Hồn Trương Ba đã mang những cảm xúc bản năng của một người đàn ông. Điều này đã bị xác hàng thịt “tố cáo”: “Khi ông đứng bên cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại...”. Dẫu rằng, đây vẫn là những biểu hiện xúc động của thân xác nhưng nó lại chính là cảm xúc của linh hồn.
• Khi xác hàng thịt tiếp tục vặn hỏi Hồn Trương Ba rằng chẳng lẽ khi xác ăn tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi mà Hồn Trương Ba lại không “lâng lâng cảm xúc”, “không tham dự vào chút đỉnh gì” chăng thì Hồn Trương Ba chỉ có thể yếu ớt phản ứng: “Im đi”, “Ta... ta... đã bảo mày im đi”. Những lời đáp như vậy ít nhiều đã cho thấy rõ ràng Hồn Trương Ba có phần đuối lí trước những lí lẽ ti tiện của Xác. Chúng ít nhiều thừa nhận “sự tham gia” của linh hồn trong việc đáp ứng những sở thích bản năng của Xác.
• Khi Hồn Trương Ba dang tay tát anh con trai, cái tát ấy đã cộng thêm sự bạo lực - điều chưa từng có trong con người Trương Ba trước đó. Trương Ba vốn dĩ là người rất hiền lành, rất yêu thương những người thân của mình. Sinh thời, ông chưa bao giờ đem vũ lực ra mà ứng xử với gia đình. Vậy nên, hành động tát anh con trai toé máu mồm máu mũi đã tố cáo sự tha hoá của Trương Ba.
+ Phản ứng yếu ớt của Trương Ba trước những lí lẽ ti tiện của Xác, đặc biệt, khi Xác chế giễu linh hồn:
• Chế giễu quan niệm quá coi trọng tâm hồn/ linh hồn mà bỏ bê thân xác của một số người: Nhiều người luôn “vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác...”.
• Chế giễu “trò chơi tâm hồn” của một số người: Nhiều người cứ tha hồ làm việc xấu rồi đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho rằng hoàn cảnh đưa đẩy nên mới làm việc xấu.
• Trước những lí lẽ ti tiện nhưng có phần xác đáng của Xác, Hồn chỉ có thể đáp lại bằng những lượt lời rất ngắn, thể hiện sự bất lực và ngầm thừa nhận: “Nhưng... Nhưng...”, “Chiều chuộng?”, “Trời!”.
+ Tuyệt vọng khi không thể thoát khỏi xác để tồn tại độc lập: “Hồn Trương Ba bần thần nhập lại vào xác hàng thịt”.
 Nhận xét nghệ thuật tạo dựng xung đột kịch của Lưu Quang Vũ
- Trong màn đối thoại giữa Hồn với Xác, xung đột kịch được Lưu Quang Vũ thể hiện triệt để qua: xung đột giữa Hồn với Xác, xung đột trong nội tại nhân vật Hồn Trương Ba (nhận thức về tình cảnh trớ trêu - không thể thoát khỏi tình cảnh đó; khao khát được sống là chính mình - thực tế phải sống nhờ sống gửi; bản tính hiền lành lương thiện - nguy cơ tha hoá;...).
- Xung đột kịch góp phần mang lại kịch tính, góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho vở kịch; gia tăng tính chất bi kịch cho hình tượng nhân vật chính; góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của vở kịch; thể hiện tài năng nghệ thuật của Lưu Quang Vũ;...
Nhận xét, đánh giá; mở rộng, nâng cao
- Màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với xác hàng thịt đã thể hiện đậm nét tình cảnh trớ trêu của Hồn Trương Ba; từ đó khắc sâu bi kịch của Hồn Trương Ba.
- Tác giả rất thành công trong nghệ thuật đối lập, thể hiện thành công xung đột kịch của vở kịch.
c. Kết bài
Bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ về tình cảnh trớ trêu của Hồn Trương Ba.
Số bình luận về đáp án: 0